Những miếng chả tôm tươi ngon, mềm mịn được tạo hình như những con đuông trong ngọn dừa tạo nên tên gọi độc đáo cho món bún suông.
Bún suông là một trong những món bún đậm nét miền Tây nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng. Ngay cả những bậc cao tuổi cũng không biết xuất xứ của món bún này, nhưng đều đồng tình tên gọi của món ăn xuất phát từ chả tôm, nguyên liệu quan trọng nhất của món bún được tạo hình giống con đuông, một loại sâu trong ngọn dừa. Vì là sâu ăn đọt dừa non nên đuông là loại sâu sạch và là món ăn khoái khẩu của nhiều người nhờ vị thơm, ngọt và vị béo hiếm có.
Tại Sài Gòn có nhiều quán bún suông, nhưng lâu đời nhất có thể kể đến quán bún suông Diệu trên đường Nguyễn Thái Học (Q.1). Toạ lạc tại một trong những con đường lớn của thành phố nhưng quán bún này lọt thỏm trong những hàng quán sang trọng gần đó, khiến người không chú ý sẽ không nhìn thấy.
Song khi đã vào quán, người khách ấy sẽ đến lần thứ 2, thứ 3 để thưởng thức những món bún đậm chất miền Tây xoay vòng mỗi ngày của quán như bún thịt nướng, bún mắm, bún xào…
Ai chưa từng thưởng thức món bún suông thường chỉ hình dung đó là một loại bún ăn suông đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là không rau, không thịt, không gia vị. Vì thế khi tô bún dọn ra nghi ngút khói và cực bắt mắt với những cọng bún nhỏ, miếng chả cá chiên to bản, chả tôm, nước dùng trong veo điểm xuyết màu vàng ươm, béo ngậy của gạch tôm, hầu hết thực khách đều ngạc nhiên.
Bún trong món ăn này thoạt nhìn tưởng là bún tươi, song là bún khô, được luộc đến mềm, khi múc ra tô cho khách, thường trụng thêm một ít giá để tăng độ nóng, độ ngọt. Để có được tạo hình con đuông trong món bún, sau khi quyết nhuyễn, định lượng gia vị vừa miệng, người nấu cho chả tôm sống vào một chiếc túi nilon, cắt bỏ một góc rồi nặn (như bắt bông bánh kem) vào nồi nước lèo đang sôi.
Khi chả tôm vừa chín, nổi lên thì vớt ra bảo quản trong tủ lạnh. Để tiết kiệm chi phí, các quán khác thường quết tôm đông lạnh với mọc (giò sống). Riêng tại Diệu, chả được làm hoàn toàn từ tôm, lại là loài còn búng tanh tách trong chậu nên dai, mịn và thơm ngọt. Đi kèm loại chả tôm nguyên chất là nước chấm được kết hợp theo tỷ lệ nhất định của me dầm và tương đen, tạo vị chua nhẹ, đậm đà.
Ngoài chén nước chấm đi kèm, các gia vị khác của bún suông cũng gây nhiều tò mò đối với thực khách. Đầu tiên là lọ ớt tươi bằm nhuyễn, thơm nồng, tươi nguyên do được chế biến và sử dụng trong ngày. Đậu phụng rang chín, giã hơi dập, giòn tan. Nhưng ấn tượng nhất là lọ mắm ruốc xào với tỏi và nếp dẻo. Món mắm ruốc đó chỉ nếm thử đã ghiền vì không những vừa miệng, mà độ mịn, độ dẻo cùng hương thơm khó cưỡng, khi thêm vào nước dùng, càng đậm đà.
Chén nước chấm có vị chua nhẹ của me, vị đậm đà của tương đen.
Nước dùng cũng cầu kỳ, trong vắt nhưng có vị ngọt đậm đà của xương heo, vị ngọt thanh của vỏ tôm, của mực khô, vị chua nhẹ của me. Khi thưởng thức, vị hăng của hẹ trong đĩa rau, mềm mịn của chả tôm, vị dai của chả cá, giòn của đậu phụng, dai mềm của bún, vị chua thanh của nước dùng khiến khách không muốn dừng đũa.