Tôi nhận ra nhà hàng Lã Vọng nhờ chiếc bảng hiệu hình ông Lã Vọng – Khương Tử Nha ngồi bó gối câu cá đã hơn hai thế kỷ nay vẫn còn trên phố Chả Cá. Trò chuyện với bác Ngô Thị Tình – con dâu của dòng họ Đoàn – năm nay đã hơn 93 tuổi về lịch sử của món chả cá Lã Vọng, tôi có thêm nhiều tư liệu quý.
Cách đây gần 200 năm, từ thời Pháp, chính tại ngôi nhà này gia chủ Đoàn Xuân Phúc, vợ là Bì Thị Vân đã cưu mang nghĩa quân cách mạng Đề Thám. Hai vợ chồng cụ Phúc có tài nghệ nấu ăn, thường làm các món gỏi cá, chả cá đãi nghĩa quân mỗi khi thắng trận. Nhiều ngày tháng đi qua, để có chỗ tụ họp an toàn cho nghĩa quân, chính cụ Phúc đã nghĩ cách che mắt chính quyền Pháp bằng việc mở quán chuyên bán chả cá. Về sau việc cụ Đoàn Xuân Phúc theo cách mạng bị bại lộ, bị thực dân Pháp chém đầu.
Bác Ngô Thị Tình kể ngày xưa làm chả cá gia đình chỉ toàn dùng cá lăng, vì thịt cá lăng ngọt, thơm, nhiều nạc ít xương. Ngày nay loài cá này trở nên quý hiếm nên được thay bằng cá nheo, cá quả, cá ngạnh, cá chiên… nhưng không loại nào có thể sánh bằng cá lăng xét về độ ngon ngọt.
Cá lăng làm sạch chỉ lấy phần thịt, cắt khúc cỡ 2 đốt ngón tay, ướp (trong 2 giờ) với riềng, mẻ, hạt tiêu, nước mắm và không thể thiếu một chút mắm tôm bởi chính mắm tôm sẽ làm nên hương vị khó quên của chả cá Lã Vọng. Kẹp cá vào trong từng gắp tre, trước khi kẹp phết một lớp mỡ cho đỡ dính. Nướng cá trên than hồng, lật trở đều tay để cá chín vàng, đợi cá thật nguội mới mở kẹp tre trút vào trong tô để riêng. Thêm một bí quyết gia truyền của chả cá Lã Vọng: là chỉ dùng mỡ (gồm mỡ gà, mỡ cá, mỡ heo) để chiên cá, bởi khi sôi độ nóng của mỡ sẽ cao hơn dầu và mùi vị cũng đậm đà hơn.
Ăn chả cá phải nóng mới ngon. Thì là, hành hoa được nhúng chung vào chảo dầu cho chín tái, thêm chút bún, rau mùi, rau húng, đậu phộng rang… chấm bằng mắm tôm đã pha chế nước cốt chanh, ớt, rượu, mỡ nóng, đường, đánh mạnh tay cho nổi bọt. Vị ngọt béo bùi của cá, thơm nồng của rau thơm quyện nơi đầu lưỡi khiến người ta phải nhớ mãi…