Hôm nay khám phá Việt Nam xin giới thiệu với các bạn 2 công trình kiến trúc cực kì độc đáo của Đà Lạt
1. Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt
Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt nằm ở số 14, đường Yersin, phường 10, Đà Lạt, giáp với Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và cách nhà ga xe lửa không xa. Công trình được xây dựng từ năm 1939 và hoàn thành năm 1943.
Ngày 5-7-1894, Sở Địa dư Đông Dương được thành lập, trụ sở đặt tại Hà Nội. Đến năm 1940, sở được dời vào Gia Định. Cuối năm 1944, sở dời lên Đà Lạt với nhiệm vụ sản xuất và phát hành các loại bản đồ phục vụ cho cả 3 nước Đông Dương. Ngày 1-4-1955, Nha Địa dư quốc gia được thành lập.
Đây là một công trình đồ sộ, mang sắc thái của một công trình hành chính có hình thức thể hiện theo kiểu kiến trúc hỗn hợp. Diện tích toàn bộ khuôn viên của Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt rộng 30.670m2, nằm trên một sườn đồi dốc thoải.
Mặt bằng công trình chịu ảnh hưởng của kiến trúc cổ điển với 2 trục đối xứng ngang và dọc, tổ hợp theo kiểu hành lang giữa. Có một tầng hầm dùng làm kho bản đồ. Tầng trệt ở đây có hai dãy phòng hành chính ở hai bên hành lang, trung tâm là tiền sảnh và phòng tiếp khách, hai khối cầu thang và vệ sinh bố trí đối xứng hai đầu. Ở tầng hai là các phòng kỹ thuật chiếm một không gian rộng lớn. Ngoài ra, còn có tầng áp mái được dùng làm kho phụ. Tham quan thêm một công trình kiến trúc độc đáo nữa. Đó là lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt bạn nhé.
Phân vị ngang được thể hiện rõ nét trên mặt đứng công trình. Dưới tầng trệt có những cửa sổ vòm kích thước lớn, những khung cửa sổ vuông vức đều nhau được bố trí ở tầng hai. Nhìn chung, dãy nhà làm việc chính án ngữ mặt tiền có hình khối gần như vuông vức. Toàn bộ tường xây bằng gạch đá dày gần 1m, mái lợp ngói với độ dốc khá lớn theo kiểu kiến trúc vùng Normandie (miền Bắc nước Pháp) tạo cho công trình đầy vẻ uy nghi, quyền lực, phù hợp với tính chất của một công trình hành chính quốc gia.
Trong nội thất xuất hiện hệ vòm cuốn tại các bước nhịp (theo dạng cuốn trong kiến trúc Roman) để phân chia không gian, làm giảm bớt không khí nặng nề của các phòng kỹ thuật, đồng thời tạo cảm giác hành lang giao thông dường như ngắn lại.
Kết nối giữa sảnh chính của công trình với sân là những bậc thang đặt trên hệ kết cấu vòm bằng đá, trông thật duyên dáng và ấn tượng. Vòm cong của cầu đá kết hợp với đường cong nhẹ nhàng của con đường trải nhựa tạo ra một nét duyên riêng của Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt. Đây cũng là điểm đặc sắc của công trình, làm cho nó khác với những công trình hành chính thông thường.
Bên cạnh đó, giống như công trình nhà ga xe lửa, hình dáng chung của khối nhà này được phỏng theo dáng dấp của một dãy núi cao, phần mái ở hai đầu hồi nhô cao hơn lên, tựa như dáng núi Lang Biang. Bên cạnh đó thì công trình Thủy Tạ Đà Lạt cũng là một công trình có kiến trúc cực kì độc đáo. Bạn đừng bỏ qua nhé.
2. Nhà ga xe lửa Đà Lạt
Ga hỏa xa Đà Lạt do kiến trúc sư Revéron thiết kế với khái niệm sáng tác theo hình thức kiến trúc Anglo-normand mới, chịu nhiều ảnh hưởng của kiểu kiến trúc hiện đại. Kiến trúc sư Moncet đã hoàn chỉnh thêm một số chi tiết của hồ sơ thiết kế này và giám sát công trình. Kỹ sư Porte trực tiếp trông coi xây cất công trình kỹ thuật đường sắt. Đơn vị thi công là nhà thầu Võ Đình Dung. Công trình khởi công năm 1932 và hoàn thành năm 1938. Đây là lần đầu tiên người ta đưa yếu tố mỹ thuật kiến trúc và ý nghĩa của công trình vào việc xây dựng một công trình có tính kỹ thuật. Từ nhà ga, tuyến đường sắt độc đáo vượt địa hình có bộ phận chuyên dụng móc răng cưa nối liền Đà Lạt với mọi miền đất nước qua ga Tháp Chàm đã được khai thông.
Toàn bộ khu vực ga nằm trên một khu vực bằng phẳng và rộng rãi. Nhà ga có chiều dài 66m, chiều rộng 11,5m, chiều cao đại sảnh 11m. Mặt bằng được tổ chức theo nguyên tắc gần như đối xứng qua một trục vuông góc với mặt tiền: một phòng lớn ở giữa (37m x 10m) và các phòng phụ nhỏ nối dài sang hai bên. Bố cục đăng đối thể hiện giữa các bộ phận kiến trúc: ở mái ngói đỏ cao vút, những phần mái gấp, mái bẻ góc và ở những ô cửa sổ cùng với bức tường xây bằng đá chẻ tới ngang bệ cửa. Sự đồ sộ của công trình thể hiện rõ trên mặt cắt: hệ vì kèo đỡ mái bằng bê tông cốt thép có chiều cao hơn 6m, bằng với chiều cao của không gian sử dụng chính.
Ấn tượng nhất vẫn là toàn bộ khối mái công trình. Đập ngay vào mắt người thưởng thức là 3 chóp mái tiếp nối liền nhau chạy suốt từ đỉnh xuống bờ mái đón ở lối vào sảnh chính. Phía dưới của chóp mái có gắn nổi dòng chữ DALAT khá lớn. Vuông góc với 3 mái theo chiều ngang của công trình là 2 mái dọc chạy về 2 phía và bẻ góc ở phần rìa mái. Tương ứng với 3 chóp mái là 3 cửa sổ với nhiều ô kính nhỏ, tạo nên sự khoáng đạt cho mặt tiền và cho cả tòa nhà. Các ô cửa sổ bằng kính màu nằm ngay ngắn trong hệ khung ô vuông đều đặn. Tất cả các chi tiết trang trí đều thực sự đơn giản, toát lên vẻ hiện đại của tổng thể công trình. Toàn bộ khối nhà tạo cho ta sự liên tưởng tới những đỉnh núi nhấp nhô của vùng đất cao nguyên.
Không gian nội thất được chiếu sáng lung linh bởi các ô cửa kính nhiều màu ở phần chân mái. Đây chính là phòng chờ cho hành khách, một không gian rộng lớn với các góc cạnh và đường nét ngay hàng thẳng lối, vừa uy nghi cao cả nhưng cũng thật giản dị.
Đây là một công trình có kiến trúc đẹp và độc đáo của thành phố du lịch Đà Lạt và của cả nước ta. Trước đây, nhà ga Đà Lạt đã từng được đánh giá là một trong những nhà ga đẹp nhất Đông Dương. Ngày 28-12-2001, Bộ Văn hoá – Thông tin đã ra quyết định công nhận ga Đà Lạt là Di tích Kiến trúc Quốc gia.