Khám phá ẩm thực Việt Nam 3 miền là cuộc hành trình đầy thú vị mà bài viết muốn cùng bạn trải nghiệm. Không phải tự nhiên mà ẩm thực Việt Nam lại chia ra ra làm ba miền Bắc-Trung-Nam. Chính vì sự khác biệt về lãnh thổ địa lí, điều kiện tự nhiên, thời tiết và lịch sử của từng vùng đã quyết định đặc điểm riêng trong văn hoá ẩm thực của mỗi vùng miền.
Thêm vào đó, trong ngàn năm văn hiến, ở mỗi miền lại có sự tiếp thu, chắt lọc những tinh hoa, văn hóa từ các nước láng giềng để tạo nên bản sắc riêng cho chính mình. Chỉ có tự mình du lịch qua từng nơi, thưởng thức hết ẩm thực ba miền đất Việt mới cảm nhận được sự khác biệt đó.
Ẩm thực miền Bắc tinh tế, hấp dẫn
Ẩm thực miền Bắc nổi tiếng mà đặc trưng nhất là khu vực thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Phở Hà Nội, bún thang, bún chả Hà Nội, bánh cuốn, bánh tôm Tây Hồ… là những món ăn đặc sản vang danh được nhiều người biết đến.
Con người miền Bắc được đánh giá là tinh tế và cầu kì trong cách chọn lựa nguyên liệu, chế biến, trang trí và thưởng thức món ăn. Với mỗi công đoạn đều phải có quy tắc nhất định. Món ăn cần có sự kết hợp giữa hương vị và hình thức, kế thừa và phát huy tinh túy muôn đời. Chẳng vậy mà ẩm thực cũng như con người nơi đây đã trở thành chuẩn mực không dễ gì thay đổi. Người ta hay thường gọi đó là tính bảo thủ trong ăn uống của người miền Bắc.
Ẩm thực miền Bắc với nguyên liệu quen thuộc
Một số thói quen mà bao đời nay vẫn không thay đổi trong bữa ăn của người miền Bắc. Trên mâm cơm gia đình, ngoài cá món rau thì không thể nào thiếu được các món ăn từ thịt lợn. Nào là thịt luộc, sườn xào chua ngọt, thịt kho, nem rán, giò chả, mọc… Người ta có thể ăn thịt lợn suốt từ bữa này qua bữa khác, ngày này qua ngày khác mà không hề thấy ngán. Trên mâm cỗ vào dịp đặc biệt cũng không thể thiếu.
Đối với cá, người miền Bắc nói chung thường chỉ ăn cá nước ngọt, hiếm khi ăn các loại hải sản. Những món ăn quen thuộc như cá trắm kho làng Vũ Đại, cá chép om dưa, cá rô rán và đặc biệt là cá lăng, nguyên liệu cho món chả cá Lã Vọng nức tiếng Hà Thành.
Các loại gia vị trong ẩm thực miền Bắc
Muốn biết ẩm thực miền Bắc khác với các vùng còn lại như thế nào thì phải xem cách họ phối các gia vị trong món ăn. Gia vị nơi này có sự hài hòa, không quá ngọt, không quá cay và đặc biệt có sự cân bằng âm dương. Các loại gia vị rất phong phú. Ngoài những gia vị quen thuộc như mắm, muối, đường,… thì còn có các rau củ gia vị riêng cho từng món ăn.
Hành lá, tía tô cho bát cháo Thị Nở giải cảm; thì là cho chả cá, canh cá; húng láng chỉ có trồng ở làng Láng mới thơm đến vậy. Với nước chấm, người miền Bắc thiên về nước chấm loãng, vị nhẹ nhàng. Chẳng vậy mà ngoài những miếng chả thơm ngậy, nước chấm là phần quyết định giúp đem bún chả Hà Nội nổi tiếng thế giới. Những quán phở, bún cá truyền thống sở dĩ thu hút được nhiều khách chính bởi vì những bí quyết gia truyền để tạo ra nồi nước dùng độc nhất vô nhị.
Thức quà bốn mùa
Được thiên nhiên ưu ái với thời tiết 4 mùa rõ rệt. Mỗi mùa ở miền Bắc lại có những thứ quà đặc trưng, mùa nào thức đó. Mùa xuân muôn hoa đua nở, Tết đến mọi người sẽ được thưởng thức các loại mứt quả ngọt ngào. Mứt dừa thơm, mứt quất chua thanh, mứt gừng cay nồng, mứt xoài dẻo… loại nào cũng hấp dẫn. Mùa hè mát lạnh với chè sen, nước sấu ngâm. Mùa thu có bánh cốm làng Vòng, chuối, hồng… Mùa đông mọi người quây quần ấm áp bên nồi lẩu, bếp nướng.
Đặc trưng quan trọng nữa trong ẩm thực của người miền Bắc đó là các thứ quà bánh. Nó gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ. Có bánh giò, bánh khúc, bánh đúc, bánh đa kê, bánh rợm… Hình ảnh những em bé lon ton ra cổng đón bà, đón mẹ đi chợ về thật gần gũi, bình dị.
Ẩm thực miền Trung – Đậm đà vùng đất Cố Đô
Nằm ở khúc giữa của dải đất hình chữ S, mảnh đất miền Trung không được thiên nhiên ưu đãi như hai vùng còn lại. Nơi đây quanh năm nóng lắm mưa nhiều. Người dân lam lũ luôn phải oằn mình chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết. Có lẽ vì vậy nên họ biết trân trọng và tận dụng những thứ vốn có, biến chúng thành những món ăn đặc sản mang hương vị đặc biệt.
Ai đã từng thưởng thức đều vấn vương mãi không quên. Ẩm thực miền Trung có sự song hành của hai phong cách đó là ẩm thực cung đình xa hoa tráng lệ và ẩm thực đường phố dung dị, gần gũi.
Ẩm thực cung đình
Cố Đô Huế, kinh kỳ xa hoa một thời của nước Việt Nam ta. Nơi đây từng chứng kiến những thăng trầm của các triều đại vua. Ẩm thực miền Trung mang đậm nét cổ kính, xa hoa được gọi là những món ăn ngự thiện, dùng cho vua chúa, quý tộc. Và theo đó là phong cách đậm chất lễ nghi. Những món ăn cao lương mĩ vị được chế biến cầu kì đạt đến những chuẩn mực cao nhất dành mới xứng đáng với bậc thiên tử. Phải có sự kết hợp của cả ba yếu tố đẹp mắt, ngon miệng lại tốt cho sức khỏe.
Ngày nay đến Huế, ghé thăm các nhà hàng nổi tiếng, bạn cũng có thể thưởng thức những bữa tiệc hoàng tộc, cảm nhận được hương vị của bậc tiền nhân trong làn điệu nhã nhạc cung đình.
Ẩm thực cung đình ngoài các món mặn thì không thể không kể đến món chè, bánh Huế được mọi người yêu thích. Những chén chè ngọt thơm, mát lành: chè đậu ngự, chè long nhãn, chè khoai…
Ẩm thực đường phố miền Trung
Những món ăn đặc biệt khi đến Huế nhất định phải thử một lần là phở Huế, bún bò Huế, bánh xèo, bánh bèo, cao lầu, chả ram, bún cá, bánh tráng thịt heo, mì Quảng… Con người nơi đây hiền lành, chăm chỉ. Thiên nhiên khắc nghiệt khiến họ trở nên kiên cường và đoàn kết hơn bao giờ.
Người miền Trung thiên về gia vị đậm đà, vị cay nổi bật, màu sắc cũng thiên về gam màu rực rỡ là đỏ và nâu sậm. Ớt là nguyên liệu không thể thiếu trong bất kì bữa ăn nào, ớt càng cay càng được yêu thích. Thói quen này đã tạo nên bản sắc rất riêng của ẩm thực miền Trung.
Xem thêm: Những món ăn nhất định phải thử khi đến miền Trung
Với đường bờ biển kéo dài, nghề chài lưới rất phát triển. Nơi đây phổ biến với các món chế biến từ hải sản như mắm tôm chua, các loại mắm, ruốc. Bún mắm nêm, thịt luộc chấm mắm ruốc… là những món ăn quen thuộc trong bữa ăn thường ngày.
Ẩm thực miền Nam phong phú, đa dạng
Ẩm thực miền Nam nổi tiếng với những món ăn như hủ tiếu Nam Vang, cơm tấm, các món lẩu cá… Con người tính tình hiền hậu chất phác. Sông nước miền Tây nước đầy ăm ắp như chính cái tình người nơi đây.
Ẩm thực dân dã miền Nam
Đất đại miền Nam phì nhiêu, màu mỡ do có sự bồi đắp của nhiều con sông. Chính vì vậy “dưới sông có cá, trên bờ có rau” là để nói về ẩm thực miền Nam, gắn liền với thiên nhiên sông nước. Người miền Nam cũng mộc mạc, dân dã như ẩm thực của họ. Họ tận dụng nguồn nguyên liệu có xung quanh để chế biến ra những món ăn ngon bình dân.
Ra vườn hái được cây rau, xuống sông bắt được con cá, mọi người có thể ngồi xuống chế biến và thưởng thức ngay tại chỗ. Những món ăn có thể kể đến như gà nướng đất, cháo rắn, cá nướng trui… ăn với đọt sen, bông điên điển, rất dung dị mà gần gũi.
Sự pha trộn của nhiều nền ẩm thực
Người dân ở đây chủ yếu là người miền Bắc và Trung vào định cư cùng người Khmer bản địa. Vậy nên ẩm thực có sự pha trộn với hai miền trên. Nhưng qua hàng chục năm sinh sống, để phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội, họ biết kế thừa và tạo ra sự riêng biệt của chính mình.
Ví như sợi bún ở miền Bắc mỏng, tròn thì vào Nam lại dày, dẹt trở thành món bánh canh. Cùng với sự phối hợp đa dạng giữa các nguyên liệu như tôm, thịt, mực, cua… Lại như bánh tráng của miền Trung vào đây mỏng hơn, được chế biến cầu kì hơn như bánh tráng nướng, bánh tráng trộn… phục vụ cho nhu cầu ăn chơi của người miền Nam.
Những món chè cũng vậy, ngoài món chè của hai miền còn có chè khoai, chè chuối, chè bà Ba… rất được các thực khách yêu thích. Ngoài ra, ẩm thực miền Nam còn có sự kết hợp của nhiều phong cách khác nhau như món Hoa, món Ấn, món Âu…
Ẩm thực miền Nam mang hương vị ngọt thơm đặc trưng
Người miền Nam thường ưa vị ngọt. Họ hay sử dụng nước đường, nước dừa tươi, nước cốt dừa để nêm nếm cho các món ăn của mình thêm ngọt thơm, béo ngậy. Ngoài ra, các món ăn khác nhau thường có một vị chủ đạo chứ không có sự pha trộn lẫn lộn. Đã ngọt thì rất ngọt, đã cay thì phải cay xé lưỡi.
Khám phá ẩm thực Việt Nam 3 miền có rất nhiều điều cuốn hút phải không? Tuy mỗi nơi có những phong vị và bản sắc khác nhau, nhưng tựu chung lại tạo ra nền văn hóa ẩm thực rất Việt Nam đa dạng và phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Có lẽ đây chính là điều ấn tượng nhất đọng lại trong lòng mỗi du khách khi đến với dải đất hình chữ S này.